Man Down (bài hát)

"Man Down"
Một bức ảnh đen trắng của Rihanna đeo kính râm quá khổ với dòng chữ "Man Down" được viết theo chiều dọc ở phía bên phải
Đĩa đơn của Rihanna
từ album Loud
Phát hành3 tháng 5 năm 2011 (2011-05-03)
Thu âm2010
Phòng thu
  • The Village
  • Westlake Recording Studios
Thể loại
  • Reggae
  • dancehall
  • murder ballad
Thời lượng4:28
Hãng đĩa
  • Def Jam
  • SRP
Sáng tác
  • Shama Joseph
  • Timothy Thomas
  • Theron Thomas
  • Shontelle Layne
Sản xuất
  • Sham
  • Kuk Harrell
  • Bobby Campbell
Thứ tự đĩa đơn của Rihanna
"S&M"
(2011)
"Man Down"
(2011)
"California King Bed"
(2011)
Video âm nhạc
"Man Down" trên YouTube

"Man Down" là một bài hát của nữ ca sĩ người Barbados Rihanna nằm trong album phòng thu thứ năm của cô, Loud (2010). Bài hát này được sáng tác bởi Shontelle cùng bộ đôi sản xuất R. City và nhà sản xuất chính Shama "Sham" Joseph, tại một doanh trại sáng tác nhạc do hãng đĩa Def Jam Recordings tổ chức vào đầu năm 2010. R. City lấy cảm hứng bài hát năm 1973 "I Shot the Sheriff" của Bob Marley để viết "Man Down", tuy cùng mạch cảm xúc nhưng lại thể hiện dưới góc nhìn của phụ nữ. "Man Down" là một ca khúc reggae chứa những âm hưởng như ragga và điện tử. Nội dung lời bài hát kể về một cô gái đang hối hận và có ý muốn đào tẩu sau khi cô bắn chết một người đàn ông. Các nhà phê bình chọn "Man Down" làm ca khúc tiêu biểu trong Loud, trong khi một số người thì lại bàn tán xoay quanh ngữ điệu Tây Ấn nổi bật và lối thể hiện giọng hát nhanh của Rihanna.

Def Jam phụ trách phát hành "Man Down" vào ngày 3 tháng 5 năm 2011 làm đĩa đơn thứ năm cho Loud. Tại Hoa Kỳ, bài hát đạt hạng 59 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) chứng nhận cho "Man Down" đĩa Bạch kim kép. Ca khúc vươn lên vị trí đầu bảng tại Pháp trong vòng năm tuần liền và đạt top 3 ở Bỉ và Hà Lan. Anthony Mandler phụ trách đạo diễn video âm nhạc, trong đó có cảnh Rihanna bắn chết bạn trai vì hắn ta hiếp dâm cô. Ngay lập tức, các tổ chức như Parents Television Council, Industry Ears và Mothers Against Violence chỉ trích MV "Man Down" cũng như Rihanna vì truyền bá tư tưởng rằng giết người là một hình thức công lý có thể chấp nhận được đối với nạn nhân bị hiếp dâm. Tuy nhiên, diễn viên kiêm nạn nhân từng bị hiếp dâm Gabrielle Union tán dương video có tính gần gũi. "Man Down" góp mặt trong ba chuyến lưu diễn của Rihanna: Loud Tour (2011), Diamonds World Tour (2013) và Anti World Tour (2016).

Bối cảnh

Khoảng đầu năm 2010, hãng thu âm Def Jam Recordings quyết định tổ chức một "doanh trại" sáng tác nhạc ở thành phố Los Angeles, California gồm nhiều nhạc sĩ và nhà sản xuất để sáng tác chất liệu cho album phòng thu thứ năm của Rihanna, Loud.[1][2] Để thực hiện công việc này, Def Jam sẵn sàng thuê gần hết phòng thu âm ở Los Angeles trong hai tuần.[1]

Ray Daniels, quản lý của bộ đôi R. City (Theron và Timothy Thomas), từng có mặt tại đó và cho biết hãng đĩa đã thuê lại mười phòng thu trong hai tuần với mức giá 25.000 đô la Mỹ một ngày. Anh còn bảo đó là một nơi mà các nhạc sĩ có lời mà không có nhạc, còn những nhà sản xuất thì có nhạc nhưng lại không có lời.[2] Sau khi mọi thứ ở "doanh trại" đã được sáng tác xong xuôi, Rihanna đến nghe thử toàn bộ 200 bài hát và nữ ca sĩ chọn những bài xuất sắc nhất cũng như theo ý thích của cô.[2][3] Tháng 9 năm 2010, Rihanna gọi điện thoại cho nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất âm nhạc Shama "Sham" Joseph và bảo rằng cô muốn thu âm "Man Down" cho Loud.[1]

Sản xuất và thu âm

Sham là một trong số những người được thuê vào làm việc tại "doanh trại". Người quản lý giới thiệu anh đến đây là nhờ một người quen là nhân viên của Def Jam. Ngay sau khi đặt vé máy bay và có mặt tại LA, Sham lao vào sáng tác bài hát ngay với tâm trí "không còn gì để đánh mất và có mọi thứ để đạt được". Về cảm hứng thực hiện "Man Down", Sham đã liên tưởng đến bối cảnh Rihanna trình diễn trên sân khấu theo chủ đề vùng Caribe. Anh cảm thấy rằng từ Music of the Sun (2005) trở về sau, Rihanna không còn thực hiện âm nhạc chủ đề vùng Caribe nữa.[1] Ca sĩ Shontelle bảo rằng Rihanna đã gọi điện thoại cho cô từ chuyến lưu diễn Last Girl on Earth và mời cô tham gia vào "Man Down". Cô xác nhận Rihanna đã có mặt trong phòng thu âm sau khi vừa hoàn thành xong show diễn, cùng thời điểm Shontelle đang sáng tác phân đoạn của cô ở bài hát.[4][5]

Theo lời tường thuật của Daniels, mặc dù R. City quen biết Sham nhưng họ lại chưa từng nghe qua âm nhạc chủ đề Tây Ấn/vùng Caribe mà nam nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất đã biên soạn trong suốt khoảng thời gian ở "doanh trại" sáng tác album Loud. Do vậy, Sham quyết định phát nhạc cho R. City nghe thử, và cả hai anh em nêu lên: "Hãy đưa cho Rihanna một bản one-drop như vậy đi! Tương tự như 'I Shot the Sheriff' vậy!" Sham và R. City cùng nhau sáng tác phần lời của "Man Down" trong 12 phút.[2] Phỏng vấn cùng MTV News, R. City bảo rằng họ định sáng tác bài hát giống "I Shot the Sheriff" (1973) của Bob Marley nhưng dưới góc nhìn phụ nữ. Hai anh em còn muốn khai thác thể loại nhạc island của Rihanna lúc cô mới vào nghề bằng âm thanh chân thật.[6][7]

Tháng 11 năm 2010, Rihanna diễn tả cảm xúc mà cô muốn thể hiện trong "Man Down" bằng từ khóa "gangsta". Nữ ca sĩ nói thêm với MTV News rằng văn hóa reggae đã ảnh hưởng phong cách âm nhạc và đem lại rất nhiều cảm hứng cho cô.[8] Quá trình sản xuất "Man Down" được thực hiện tại Los Angeles. Phần nhạc nền của bài hát được Cary Clark thu âm tại The Village. Kuk Harrell sản xuất giọng hát của Rihanna cùng với Josh Gudwin và Marcos Tovar tại Westlake Recording Studios. Bobby Campbell hỗ trợ thêm phần sản xuất và thu âm giọng hát, còn kỹ sư Manny Marroquin thì phối trộn âm thanh "Man Down" tại Larrabee Sound Studio, cùng hai trợ lý Erik Madrid và Christian Plata.[9]

Daniels xác nhận rằng R. City và Sham lần lượt nhận 15.000 và 20.000 đô la Mỹ chi phí sản xuất "Man Down". Anh cho biết "phải trả cái giá rất đắt đỏ để có được 12 phút cảm hứng từ một nhóm sáng tác nhạc hàng đầu, thậm chí trước khi bạn suy tính đến khoản phí cho các nhạc sĩ". Trước khi Rihanna vào phòng thu với một nhà sản xuất giọng hát thì 53.000 đô la Mỹ cho "Man Down" đã được chi trả. 78.000 đô la Mỹ là mức giá sau khi cộng lại chi phí sáng tác, hòa âm phối khí, sản xuất giọng hát, phối trộn và master bài hát. Nếu tính thêm với chi phí phát hành và quảng bá "Man Down" thì tổng số tiền sẽ là 1.078.000 đô la Mỹ.[2][10]

Nhạc và lời

Các nhà phê bình âm nhạc phân loại "Man Down" là một ca khúc thuộc thể loại reggae,[a] dancehall,[b] murder ballad[c] với "nhịp điệu Caribe"[18] kèm theo âm hưởng ragga[19]nhạc điện tử.[13] Theo bản phổ nhạc do Universal Music Publishing Group đăng tải trên Musicnotes.com, "Man Down" là một bài hát sử dụng hợp âm gốc Đô thứ gồm 77 nhịp mỗi phút. Giọng hát của người thể hiện rộng trên một rưỡi quãng tám, từ nốt trầm nhất là F3 đến nốt cao nhất là E5.[20] Nhà phê bình của Slant Magazine, Sal Cinquemani, khen ngợi "Man Down" là một trong những bài hát có chất giọng tiếng Barbados tự tin nhất của Rihanna.[11] Một số người bảo rằng nữ ca sĩ đã nhấn giọng Tây Ấn trong bài hát.[d] còn nhà báo August Brown của Los Angeles Times thì nhận xét lối thể hiện như vậy của Rihanna là nhằm khẳng định "phong cách du dương vùng Caribe của cô ấy".[17] Cây bút Leah Greenblatt cho tạp chí Entertainment Weekly gọi "Man Down" là một bài hát chứa nhịp điệu đặc trưng ở vùng đảo.[19]

Các tác giả cảm nhận nội dung bài hát kể về nhân vật nữ là một kẻ trốn tránh sau khi hối hận vì rút súng bắn chết một người đàn ông bạo lực.[e] Cô gái chậm rãi tường thuật câu chuyện trước khi cái chết của hắn ta.[24] Nhân vật nữ bày tỏ hối hận vì không cố ý giết kẻ tấn công mình, đã thế lại còn là "con trai của ai đó" và phải trốn khỏi nơi sinh sống để tránh bị bỏ tù. Sau đó, cô hát refrain "rom pom pom pom" và than khóc với mẹ mình vì lỗi lầm cô đã gây ra: "Mama, I just shot a man down".[f][g] Lúc sau trong phần chuyển đoạn, Rihanna dùng ngữ giọng Bajan Creole nặng nề hơn: "Why deed I pull dee treeguh, pull dee treeguh, pull dee treeguh, BOOM!".[h] Trên website MuuMuse, Bradley Stern, cho rằng Rihanna đã dùng tông giọng xưng tội ở phần bridge.[24] Tác giả Danny White nhận định "Man Down" tuy mang giai điệu Jamaica và đưa người nghe trở lại với phong cách đầu sự nghiệp của Rihanna, nhưng giọng hát của nữ ca sĩ vẫn thiên về phía Barbados nhiều hơn.[28]

Brown cho rằng "Man Down" chính là "phát súng cảnh báo" đến Chris Brown và là câu trả lời cho bài hát tố cáo người yêu cũ "Deuces" (2010) của anh.[17] Trên tuần báo The Observer mỗi Chủ nhật, Kitty Empire viết rằng vụ việc Brown hành hung Rihanna đã góp phần tạo nên bối cảnh kịch tính của ca từ "Man Down", khiến nữ ca sĩ phải hát bài hát này với "nỗi đe dọa ngọt ngào lẫn đắng cay".[12] Khi được HipHopDX hỏi về việc người nghe chỉ trích bài hát dung túng bạo lực, Sham bác bỏ bằng cách lập luận rằng lời cáo buộc đó hoàn toàn là vô căn cứ và đạo đức giả. Anh chỉ ra rằng những người chỉ trích bài hát tiêu chuẩn kép, do chính họ cũng cho phép con cái họ xem nội dung bạo lực. Sham khẳng định vì bài hát của anh phản ánh những cảm xúc chân thật và vấn đề thực tế và do đó, nhiều người thường hay phóng đại tranh cãi chỉ để đạt được mục đích của riêng họ.[1]

Phát hành và diễn biến thương mại

Sau khi ăn mừng Loud đạt chứng nhận Bạch kim từ việc bán được 1 triệu bản tại Hoa Kỳ, Rihanna mở một cuộc thăm dò vào ngày 1 tháng 3 năm 2011 trước 3,7 triệu người theo dõi trên Twitter và nhờ họ giúp cô lựa chọn đĩa đơn tiếp theo cho Loud. Cô bảo rằng sẽ quay một video âm nhạc trong vòng vài tuần tới. Sau nhiều lời đề nghị từ giới mộ điệu, Rihanna đã thu hẹp lựa chọn xuống còn bốn bài hát: "Man Down", "California King Bed", "Cheers (Drink to That)" và "Fading".[29][30]

Mặc dù trong ngày 12 tháng 3 năm 2011, Rihanna xác nhận "California King Bed" được chọn làm đĩa đơn quốc tế tiếp theo[31] nhưng kế hoạch phát hành đã bị thay đổi tại Hoa Kỳ.[32] "Man Down" được đưa lên đài phát thanh rhythmic tại Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 5[33] trước ngày phát hành "California King Bed" vào hôm 13, khiến cho "Man Down" và "California King Bed" lần lượt trở thành đĩa đơn thứ năm và thứ sáu trong album Loud tại Hoa Kỳ.[34] "Man Down" được phát hành ở định dạng tải kỹ thuật số ở Pháp và Thụy Sĩ vào ngày 11 tháng 7,[35][36] còn Hà Lan thì vào ngày 15 tháng 7 năm 2011.[37]

Tại Hoa Kỳ, "Man Down" ra mắt trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 vào tuần lễ ngày 11 tháng 6 năm 2011. Bài hát đạt hạng 59 vào tuần ngày 9 tháng 7 và trụ hạng chỉ 14 tuần.[38] "Man Down" đứng thứ 9 ở bảng xếp hạng Hot R&B/Hip-Hop Songs hàng tuần[39] và được xếp ở hàng 47 trong danh sách bài hát cuối năm 2011 của bảng xếp hạng này.[40] Tháng 6 năm 2015, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) chứng nhận cho bài hát đĩa Bạch kim kép nhờ vào 2 triệu bản tiêu thụ ở Hoa Kỳ.[41] Ở Canada, "Man Down" vươn lên hạng 63 trên bảng xếp hạng Canadian Hot 100.[42]

Phía bên châu Âu, "Man Down" vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng âm nhạc tại Pháp và duy trì liên tục suốt 5 tuần liền.[43] Ở Anh Quốc, ca khúc đạt thứ hạng 54 ở tuần lễ thứ tư và trụ hạng tổng cộng 11 tuần liên tiếp.[44][45] Bên bảng UK Hip Hop và R&B Singles, "Man Down" leo lên được hạng 15.[46] Ca khúc đạt hạng 3 và hạng 2 lần lượt ở các vùng Vlaanderen và Wallonie của Bỉ.[47][48] Hiệp hội Giải trí Bỉ (BEA) chứng nhận cho bài hát đĩa Vàng nhờ vào khoảng 15.000 lượt tiêu thụ.[49] "Man Down" đứng thứ 8 ở bảng xếp hạng Ý, và được chứng nhận đĩa Bạch kim với 30.000 lượng bán thuần ở quốc gia này.[50][51]

Đánh giá chuyên môn

Kitty Empire của The Observer tán dương "Man Down" là một bản sáng tác gốc "xuất sắc" đã gợi nhớ đến một ca khúc "reggae murder ballad cổ điển đúng đắn".[12] Trên Consequence of Sound, cây bút Ryan Burleson bảo rằng ca khúc có đặc điểm âm thanh thương hiệu riêng và với giai điệu dancehall, "Man Down" chính là bài hát tôn vinh nghệ thuật dành cho di sản Caribe của Rihanna.[15] Bradley Stern của MuuMuse diễn tả "Man Down" bằng từ "breezy" và cho rằng không còn bài nào trong Loud có thể bộc lộ lên được tính cách của Rihanna nhiều hơn bài hát này cả.[24] Sal Cinquemani chấp bút cho Slant Magazine chọn "Man Down" là ca khúc xuất sắc nhất Loud, gọi giọng ca lanh lẹ của Rihanna là "đáng bất ngờ".[11]

Trong bài đánh giá Loud, Emily Mackay từ NME cho rằng cuộc thử nghiệm ở "Man Down" có tổ chức hơn album liền trước của Rihanna, Rated R (2009), và cảm nhận chủ đề của bài hát là một "tuổi trẻ tận thế".[52] Tương tự, Nima Baniamer của Contactmusic.com chỉ ra rằng "Man Down" gợi nhớ chất liệu Rated R. Cô ca ngợi "Man Down" là một ca khúc tuy đen tối đầy ám ảnh nhưng hấp dẫn một cách thú vị.[27] Time Out xếp "Man Down" ở vị trí 10 trong danh sách 20 bài hát xuất sắc nhất của Rihanna và khen ngợi là một bản nhạc "xuất sắc nhất quả đất".[53] Các nhân viên Complex đã chọn ra 26 bài hát xuất sắc nhất và xếp "Man Down" ở vị trí 13. Claire Lobenfeld cho rằng đây là bài hát "điện ảnh" nhất trong sự nghiệp của Rihanna và cô đã nâng cấp chủ đề "vô tình ngộ sát" từ "bị chà đạp" lên "đáng tôn sùng".[54] Ann Powers xướng "Man Down" là một trong 20 bài hát phong trào Me Too hàng đầu và gọi đây là bài hát "trả thù trong trí tưởng tượng nhắm vào nền văn hóa gia trưởng dữ dội ở thể loại nhạc dancehall vùng Caribe mà ca khúc sử dụng."[55]

Video âm nhạc

Bối cảnh

Anthony Mandler phụ trách đạo diễn video âm nhạc "Man Down" vào tháng 4 năm 2011 ở bờ biển tại Portland Parish, phía đông bắc Jamaica.[56][57] Rihanna bảo với Rap-Up rằng video chứa đựng thông điệp sâu sắc dành cho những cô gái giống cô.[56] Ngày 1 tháng 5 năm 2011, ba bức hình chụp điện thoại được đăng tải, trong đó gồm có cảnh Rihanna ở bãi biển mặc đầm Dolce & Gabbana trắng và lái xe đạp ở Portland Parish.[58] Video âm nhạc được công chiếu trên 106 & Park của đài BET vào ngày 31 tháng 5 năm 2011.[56] Phỏng vấn với MTV News, Mandler cho biết để có được một MV "Man Down" chất lượng thì cần phải có "một cốt truyện và hình ảnh mạnh mẽ", do người hâm mộ của Rihanna mong đợi một video âm nhạc phải tụ hội nhiều yếu tố như kịch tính, gây sốc, dữ dội và đầy cảm xúc.[57]

Nội dung

Video âm nhạc "Man Down" mở đầu là bối cảnh một người đàn ông đang di chuyển ở một nhà ga tại Jamaica đông đúc và bận rộn, sử dụng tông màu sepia đỏ và ánh sáng lúc mới bình minh. Camera lướt qua từng gương mặt người dân đi ngang. Sau đó, Rihanna mặc bộ váy đen tóc đỏ dài từ khuất bên trong cửa sổ tầng hai bước ra, tập trung nhìn về phía người đàn ông và rút súng đưa lên. Kế đến là tiếng nổ súng và viên đạn bay thẳng vào phía sau đầu của người đàn ông, máu từ đầu người đó phun ra. Đám đông nghe được tiếng súng liền tháo chạy. Nhân vật người đàn ông ngã xuống đất, đánh rơi chiếc vali trên tay và chết tại chỗ. Đầu người đó hướng về phía kẻ sát nhân là Rihanna, cô đang nhả ra một luồng khói rồi nhìn cảnh tượng trong đau đớn. Nữ ca sĩ bỏ đi, với trong lòng đem theo cảm xúc vừa không hối hận vừa sợ hãi. Lúc này, video gồm có âm thanh tiếng tàu hỏa, tiếng chim kêu và phân cảnh chuyển sang xác người đàn ông dưới vũng máu được quay từ góc phía trên. Màn hình tắt lại và xuất hiện dòng chữ "Yesterday Morning".[59]

Nhạc nền "Man Down" bắt đầu bật lên, và bối cảnh tua ngược thời gian trở về một ngày trước vụ ám sát. Rihanna mặc áo mỏng trắng hở hang với dây ngực lên vai, mỉm cười lái xe đạp dọc thị trấn, chơi đùa và đi dạo với hàng xóm ở mọi độ tuổi trong cảnh quan nhiệt đới bình dị. Xen giữa các phân cảnh là Rihanna có mái tóc đỏ dài đến vai. Khi đó, cô đang thất thần ngồi hát theo lời bài hát một mình trên giường trong căn phòng ngủ nhỏ, với ánh nắng dịu nhẹ chiếu qua những tấm rèm đóng và những tấm rèm che hầu như không mở. Không gian và thời gian lúc này khác biệt rõ rệt so với thế giới được thuật lại qua lời bài hát. Kế đó là cảnh quay Rihanna đi tán tỉnh với những chàng trai trẻ, mà một người trong số đó lại có cầm súng. Nữ ca sĩ không hề sợ nguy hiểm gì mà cứ tự nhiên tương tác vui vẻ, khều vào cánh tay và cởi nón người đó ra.[60] Tạp chí Interview tiết lộ rằng ở những cảnh quay đó, Rihanna đưa đồ uống Vita Coco vào "Man Down" để làm quảng cáo nhãn hàng.[14]

Đến phân đoạn thứ hai của "Man Down" là đoạn Rihanna hát ở một bãi biển. Máy quay luân phiên chiếu giữa các cảnh Rihanna một mình ở mép nước và hình ảnh các cậu bé đang chơi đùa. Sau đó, Rihanna hóa thân từ một cô gái hòn đảo thành một cô gái tiệc tùng quyến rũ, bước vào không gian vũ trường. Máy ghi hình chuyển giữa cảnh cô nhảy solo, một nhóm nhảy toàn nam và những người bao ăn chơi cả đám đông. Người đàn ông mà cô đã giết vào sáng hôm sau xuất hiện, nhưng lúc này vẫn chưa xảy ra. Hai người cùng nhau khiêu vũ, nhưng hắn ta càng ngày càng hung hăng hơn đến mức Rihanna khó chịu và dùng tay đẩy ra. Cô rời đi với nụ cười trên môi khi đi ngang qua những người đàn ông đang đứng ở cửa. Người đàn ông trẻ theo đuổi cô ở phía bên ngoài, khống chế không cho cô cựa quậy. Gã đàn ông bịt miệng cô lại và tấn công tình dục cô ngụ ý theo nghĩa đen và nghĩa bóng, mặc dù lời bài hát không có câu nào nhắc đến hành vi này. Cảnh cưỡng hiếp không cho thấy quá trình hiếp dâm và thâm nhập tình dục. Sau cú tấn công, Rihanna run rẩy với vết tích bầm tím. Xen kẽ là những cảnh nữ ca sĩ ngồi một mình trên chiếc bè ở dòng sông trong hang động có thác nước.[61] Video kết thúc ở đoạn cuối cùng là phần nhạc tắt đi, Rihanna đau khổ bỏ chạy về nhà, lục lọi tủ quần áo và lấy ra một khẩu súng cất giấu trong đó.[62][63]

Phân tích và đón nhận

Năm 2012, học giả Nicole R. Fleetwood xuất bản cho tập san African American Review cảm nhận sự đối lập về mặt nội dung trong "Man Down". Trong khi lời bài hát chỉ đơn giảm bộc lộ cảm xúc hối hận vì đã giết một người đàn ông, video âm nhạc lại mở đầu bằng cảnh ám sát có chủ đích. Ở MV "Man Down", Rihanna thể hiện những bức chân dung khác nhau: nghệ sĩ ca hát, cô gái trẻ ở vùng quê nhà trên hòn đảo và tội phạm tiếc nuối với hành động của chính mình. Ngoài ra, nữ ca sĩ đóng vai vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, tiếp tục gắn bó với cảnh khuất phục giới tính và tình dục. Tuy nhiên, niềm vui sướng chỉ tồn tại cho đến khi cô bóp cò. Fleetwood cho rằng việc sử dụng ống kính màu sepia trong video âm nhạc "Man Down" không chỉ làm tối đi phần hình ảnh mà còn tạo cảm giác quen thuộc về mặt không gian và thời gian.[22] Sự thay đổi rõ rệt trong tính cách của Rihanna xảy ra thông qua phương thức kể chuyện ngắt quãng cho thấy một người phụ nữ đang dần nhận ra bản thân thông qua hành vi xâm phạm tình dục.[64]

Cùng năm, tác giả Janell Hobson phân tích video âm nhạc "Man Down" trong cuốn sách Body as Evidence: Mediating Race, Globalizing Gender. Cô chọn phân tích cách Rihanna phản ứng trước vụ việc của Chris Brown vào năm 2009. Hobson nhận định rằng từ sau khi TMZ công khai gương mặt bị hành hung, nữ ca sĩ đã sử dụng video âm nhạc như "Russian Roulette", "Hard", "We Found Love", "Love the Way You Lie", "S&M" để phục hồi hình tượng và nêu lên vấn đề bạo lực. Trong video "Man Down" lấy bối cảnh ở Jamaica, Rihanna vào vai một nạn nhân và bắn chết kẻ hiếp dâm mình. Hình ảnh này tượng trưng cho chủ đề công lý và nạn nhân, cũng như phản ánh rõ ràng biểu hiện văn hóa là nỗi niềm phẫn uất của nữ giới. Hobson lập luận rằng Rihanna sử dụng video âm nhạc của "Man Down" là nhằm phản đối nhận thức của xã hội về phụ nữ da đen bị lạm dụng tình dục, và đề cao công lý cùng cảm xúc dễ tổn thương.[65]

Hobson nhận xét trong video âm nhạc "Man Down", Rihanna đã chiếm đoạt biểu tượng nam tính vũ phu là khẩu súng ở vũ trường tại Jamaica vào thập niên 90. Nữ ca sĩ đã tái hiện hình tượng femme fatale trùm đầu phiên bản Hollywood và vạch ra cốt truyện nhằm giải thích động cơ, tạo nên sự đồng cảm và ý nghĩa công lý trong bối cảnh bạo lực tình dục.[65] Tác giả Lia T. Bascomb xuất bản cho tập san Palimpsest cho rằng việc Rihanna tán tỉnh, gặp gỡ và khiêu vũ với kẻ tấn công cô không phải là lý do biện minh cho hành vi bạo lực. Cô cảm nhận nội dung lời bài hát "Man Down" không lên án và cũng không có ý cổ xúy lối sống trả thù trong video, nhưng than thở về tình huống "bắn chết một người đàn ông".[66] Nhà âm nhạc học Guthrie Ramsey nhận xét rằng phần nhạc rõ ràng không đẩy cao và thay đổi mạch cảm xúc giữa các cảnh. Do đó về mặt ký hiệu học, người xem có thể trải nghiệm các đoạn phim tự nhiên của "Man Down" tường thuật mọi chuyện: đạp xe đạp, ánh nắng mặt trời, bãi biển rồi cưỡng hiếp.[64]

Trên CNN, Leslie Morgan Steiner phát sốc trước nội dung bạo lực cũng như những tranh cãi xoay quanh video âm nhạc của "Man Down". Tuy nhiên, cô vẫn ca ngợi và bảo rằng Rihanna xứng đáng được cảm ơn vì nữ ca sĩ đã phơi bày nạn cưỡng hiếp và hậu quả cảm xúc phức tạp sau đó.[67] Theron Thomas của R. City cảm thấy MV rất kịch tính và Rihanna đã nhập vai hoàn hảo. Anh cho rằng nếu như nội dung "Man Down" được thể hiện theo từng lời bài hát thì câu chuyện chắc hẳn đã sinh động hơn.[7] Học giả Debra Ferreday trên Feminist Theory đúc kết rằng bạo lực giả tưởng của "Man Down", hay lớn hơn là ở video "Bitch Better Have My Money", đã góp phần kịch tính hóa sự bất khả thi của việc ăn miếng trả miếng trong một nền văn hóa coi cơ thể, đạo đức và chấn thương cá nhân của phụ nữ da màu là thứ đáng bị khinh miệt.[68]

Tranh cãi

Một người phụ nữ hơi nghiêng đầu, mỉm cười.
Diễn viên Gabrielle Union (hình) từng là nạn nhân bị cưỡng hiếp. Cô liên tưởng video âm nhạc của "Man Down" giống với vụ việc của cô.

Chỉ sau một tuần từ ồn ào buổi diễn "S&M" remix cùng Britney Spears tại giải thưởng Âm nhạc Billboard năm 2011,[69] Parents Television Council (PTC) tiếp tục chỉ trích Rihanna cũng như video âm nhạc "Man Down" vì nữ ca sĩ đã "hành quyết một người một cách lạnh lùng và có tính toán" trong MV. Họ phản đối tư tưởng giết người là một hình thức công lý đối với nạn nhân bị hiếp dâm.[70] Theo PTC và Industry Ears, nếu Chris Brown ghi hình cảnh giết một người phụ nữ trong một đoạn video được công chiếu trên BET thì "thế giới sẽ dừng lại" và Rihanna không được phép phát hành đoạn clip của mình.[71][70] Ngoài ra, một người phát ngôn của tổ chức Mothers Against Violence đã chỉ trích Rihanna vì không đưa ra được giải pháp, thay vào đó lại cổ xúy lối sống yếu mềm về mặt cảm xúc ở nhiều người trẻ là nạn nhân hiếp dâm.[72]

Chấp bút cho PopMatters, Elizabeth Kaminski lên tiếng bảo vệ "Man Down". Cô cho rằng bạo lực là chuyện thường ngày trong phương tiện truyền thông đại chúng, và xuất hiện nhan nhản ở video âm nhạc điển hình như của Eric Clapton, Johnny Cash và thậm chí cả Justin Timberlake. Sol Chica so sánh bài hát của Rihanna với "Before He Cheats" (2006) của Carrie Underwood và cho rằng, vì Underwood là một phụ nữ da trắng nên cô dễ bị coi là nạn nhân hơn. Do đó, phản ứng bạo lực của Underwood được coi là hợp lý trong khi ngược lại, là một phụ nữ da màu như Rihanna thì bị xem là vô lý và tàn bạo.[73] Cùng quan điểm với Kaminski, nhà phê bình âm nhạc Julianne Escobedo Shepherd xuất bản một bài luận trên AlterNet để phản bác lại rằng những lập luận của PTC hoàn toàn là tiêu chuẩn kép. PTC không hề để ý đến video âm nhạc "Monster" của Kanye West, trong đó có cảnh người nữ chết trong tình trạng treo cổ lơ lửng, còn West thì cầm cái đầu bị chặt đứt. Thậm chí, ngay chính "Love the Way You Lie" cũng không bị chỉ trích quá thậm tệ mặc dù nội dung của video này thì "tôn vinh và lãng mạn hóa" bạo lực gia đình.[74]

Rihanna phủ nhận lời cáo buộc rằng video âm nhạc "Man Down" cổ xúy nạn nhân trẻ tuổi phải đi giết một ai đó. Nữ ca sĩ xác nhận rằng cảnh ám sát trong "Man Down" thực chất là hình ảnh ẩn dụ của "giết chết [tâm hồn] ai đó bằng cách làm người đó đau lòng", giống như "Unfaithful" (2006).[75] Trên Twitter, Rihanna cũng đáp trả lời chỉ trích của PTC. Nữ ca sĩ bảo rằng các bậc phụ huynh đừng bao giờ mong cô sẽ giám sát con trẻ. Cô cho rằng cha mẹ thì không nên giấu giếm các vấn đề nhạy cảm khỏi con gái, bằng không chúng sẽ không thích nghi với xã hội, ngại mở lời về tấn công tình dục và tạo điều kiện cho kẻ hãm hiếp lộng hành hơn thế.[76][77] Rihanna khẳng định không có phụ huynh nào được quyền gán nhãn độ tuổi trong công nghiệp âm nhạc và các nghệ sĩ luôn có quyền tự do trong việc sáng tạo nghệ thuật.[76] Nữ ca sĩ từng nêu lý do vì sao cô chọn cảnh "hãm hiếp" làm phương tiện thúc đẩy nhịp độ câu chuyện trong video mặc dù lời ca thì không nhắc gì đến hiếp dâm, trong một cuộc phỏng vấn với BET. Rihanna phát biểu rằng chỉ đơn giản là làm thành một đoạn phim mini hoặc video, rồi quay cảnh hồi tưởng ngược thời gian để biết tại sao lại diễn ra cảnh đó. Rihanna khẳng định cô gái trong video không phải là kẻ sát nhân tàn nhẫn. Cô gái quá ân hận với hành động của mình gây ra, và tất cả chỉ là do vấn đề nghiêm trọng đến mức khiến nữ chính cảm thấy bị sỉ nhục và lo sợ đối mặt.[77]

Anthony Mandler hay tin về vụ tranh cãi và trong phỏng vấn với The Hollywood Reporter, nam đạo diễn bảo rằng hình ảnh trong MV "Man Down" đã gợi lên phản ứng mà anh dự đoán từ trước, chính là sự ồn ào đã góp phần dấy lên một vấn đề cấm kỵ trong xã hội hiện đại.[78] Mandler nhớ lại thời thơ ấu của bản thân, thời mà các nghệ sĩ như Madonna phát hành các video ca nhạc gây tranh cãi, và nhận định rằng các video đương đại không còn đề cập đến các chủ đề cấm đoán thường xuyên nữa.[78] Nữ diễn viên và người ủng hộ sức khỏe phụ nữ, Gabrielle Union, từng là nạn nhân của hiếp dâm và công khai ủng hộ một video "dũng cảm" như "Man Down" trên Twitter. Dù cô không đồng cảm rằng phải ăn miếng trả miếng bất chấp, nhưng cô cảm thấy bản thân có chút liên hệ với video đó. Union cho rằng mỗi nạn nhân bị hiếp dâm đều có nỗi khổ riêng và thừa biết công lý được đòi lại ra sao. Chính bản thân nữ diễn viên từng muốn bắn chết kẻ hiếp dâm, nhưng cô đã trượt tay và coi đó là điều may mắn. Union bảo rằng giết chết một ai không hề đem lại công bằng cho cô và cũng không làm tình cảnh khá hơn. Cô khuyên nhủ rằng hạ sát kẻ hãm hiếp mình tuy "có thể thông cảm được" nhưng đừng nên thực hiện trừ khi là để tự vệ.[74]

Biểu diễn trực tiếp và sử dụng

Rihanna mặc bikini đính những viên đá và ngồi hát trên sân khấu.
Rihanna biểu diễn "Man Down" tại Loud Tour (2011).

Ở tiết mục thứ tư của chuyến lưu diễn Loud Tour (2011), sau "Only Girl (In the World)", "Disturbia" và "Shut Up and Drive", Rihanna mặc bikini đính sequin đầy màu sắc, xuất hiện kế bên một vỏ xe ô tô đầy hình vẽ graffiti và trình diễn "Man Down". Ánh đèn đỏ phía trên sân khấu làm nổi bật giai điệu điềm gở của "Man Down" khi càng về sau, bài hát càng tăng dần tiết tấu. Erik Maza trên báo The Baltimore Sun tán dương cách sắp xếp tiết mục và nhận xét rằng tuy nhịp tấu của "Man Down" đáng lý nên chậm chút, nhưng về tổng thể là vẫn đem lại phần dàn dựng và trình diễn lý tưởng.[79][80] Trên The Observer, Kitty Empire ca ngợi buổi biểu diễn "Man Down" là "tuyệt vời" mặc dù cô cảm thấy thất vọng vì "sự thiếu sáng tạo khó hiểu" từ phía đội ngũ dàn dựng sân khấu của Rihanna. Empire thắc mắc không hiểu tại sao ở giữa sân khấu lại có một nắp capo xe tải.[12]

Ngày 24 tháng 6 năm 2012, Rihanna biểu diễn "Man Down" tại BBC Radio 1's Hackney Weekend.[81] Trong chuyến lưu diễn Diamonds World Tour (2013), Rihanna trình diễn ca khúc ở chủ đề vùng Caribe, cùng với "You da One", "No Love Allowed", "What's My Name?" và "Rude Boy".[82][83] James Lachno của báo The Daily Telegraph chọn chủ đề này là điểm tiêu biểu ở chương trình diễn.[84] Cây bút của Manchester Evening News, Katie Fitzpatrick, bình luận rằng Rihanna đưa khán giả đến vùng Caribe với giai điệu hấp dẫn.[83]

Tháng 6 năm 2011, ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác bài hát người Anh Leona Lewis đã biểu diễn bản phối lại của "Man Down" với đĩa đơn năm 2008 "Better in Time" của cô tại Live Lounge của BBC Radio 1.[85][86] Cô cũng biểu diễn bản mashup trong tiết mục chuyến lưu diễn Glassheart Tour (2013) của cô.[87]

Bảng xếp hạng

Xếp hạng hàng tuần

Bảng xếp hạng hàng tuần của "Man Down"
Bảng xếp hạng (2011) Vị trí
cao nhất
Bỉ (Ultratop 50 Flanders)[47] 3
Bỉ (Ultratop 50 Wallonia)[48] 2
Canada (Canadian Hot 100)[42] 63
Cộng hòa Séc (Rádio Top 100)[88] 19
Pháp (SNEP)[43] 1
Hungary (Rádiós Top 40)[89] 11
Ý (FIMI)[50] 8
Lebanon (OLT20)[90] 18
Luxembourg Digital Songs (Billboard)[91] 10
Hà Lan (Dutch Top 40)[92] 3
Hà Lan (Single Top 100)[93] 4
Na Uy (VG-lista)[94] 17
Ba Lan (Polish Airplay Top 100)[95] 4
Bồ Đào Nha Digital Songs (Billboard)[96] 3
Romania (Romania Radio Airplay)[97] 2
Slovakia (Rádio Top 100)[98] 37
Thụy Điển (Sverigetopplistan)[99] 31
Thụy Sĩ (Schweizer Hitparade)[100] 9
Thụy Sĩ (Media Control Romandy)[101] 1
Anh Quốc (OCC)[44] 54
Anh Quốc R&B (Official Charts Company)[46] 15
Hoa Kỳ Billboard Hot 100[38] 59
Hoa Kỳ Hot R&B/Hip-Hop Songs (Billboard)[39] 9
Hoa Kỳ Rhythmic (Billboard)[102] 18

Xếp hạng cuối năm

Bảng xếp hạng cuối năm 2011 của "Man Down"
Bảng xếp hạng (2011) Vị trí
Bỉ (Ultratop 50 Flanders)[103] 26
Bỉ (Ultratop 50 Wallonia)[104] 33
Pháp (SNEP)[105] 9
Hungary (Rádiós Top 40)[106] 73
Hà Lan (Dutch Top 40)[107] 16
Hà Lan (Single Top 100)[108] 24
Thụy Điển (Sverigetopplistan)[109] 73
Thụy Sĩ (Schweizer Hitparade)[110] 50
Hoa Kỳ Hot R&B/Hip-Hop Songs (Billboard)[40] 47
Bảng xếp hạng cuối năm 2012 của "Man Down"
Bảng xếp hạng (2012) Vị trí
Pháp (SNEP)[111] 175

Chứng nhận

Chứng nhận và doanh số của "Man Down"
Quốc gia Chứng nhận Doanh số
Bỉ (BEA)[49] Vàng 15.000*
Brasil (Pro-Música Brasil)[112] Kim cương 250.000double-dagger
Đan Mạch (IFPI Đan Mạch)[113] Vàng 45.000double-dagger
Pháp (SNEP)[115] 190.000[114]
Ý (FIMI)[51] Bạch kim 30.000*
Thụy Điển (GLF)[116] 2× Bạch kim 40.000double-dagger
Thụy Sĩ (IFPI)[117] Vàng 15.000^
Anh Quốc (BPI)[118] Vàng 400.000double-dagger
Hoa Kỳ (RIAA)[41] 2× Bạch kim 2.000.000double-dagger

* Chứng nhận dựa theo doanh số tiêu thụ.
^ Chứng nhận dựa theo doanh số nhập hàng.
double-dagger Chứng nhận dựa theo doanh số tiêu thụ+phát trực tuyến.

Lịch sử phát hành

Ngày phát hành và định dạng của "Man Down"
Khu vực Ngày phát hành Định dạng Hãng đĩa Nguồn
Hoa Kỳ 3 tháng 5 năm 2011 Đài phát thanh rhythmic đương đại [33]
Pháp 11 tháng 7 năm 2011 Tải kỹ thuật số Universal [35]
Thụy Sĩ [36]
Hà Lan 15 tháng 7 năm 2011 [37]
Ý 5 tháng 8 năm 2011 Đài phát thanh [119]

Chú thích

Ghi chú

  1. ^ Nguồn từ Sal Cinquemani của Slant Magazine,[11] Kitty Empire của The Observer[12] và Jon Pareles & Jon Caramanica của The New York Times.[13]
  2. ^ Nguồn từ một tác giả của Interview,[14] Ryan Burleson của Consequence of Sound[15] và Tom Breihan của Stereogum.[16]
  3. ^ Nguồn từ August Brown của Los Angeles Times[17] và Kitty Empire của The Observer.[12]
  4. ^ Nguồn từ tác giả Chole Govan của sách Rihanna: Rebel Flower,[21] học giả Nicole R. Fleetwood xuất bản cho tập san African American Review[22] và Jon Pareles của The New York Times.[13]
  5. ^ Nguồn từ Sal Cinquemani của Slant Magazine,[11] Kitty Empire của The Observer[12] và Ryan Dombal của Pitchfork.[23]
  6. ^ Tạm dịch: "Mẹ ơi, con đã bắn chết một thằng đàn ông."
  7. ^ Nguồn từ Alisa Bierria xuất bản cho tập san Social Justice,[25] Alan Duke của CNN[26] và Nima Baniamer của Contactmusic.com.[27]
  8. ^ Tạm dịch: "Tại sao tôi lại bóp cò, bóp cò, bóp cò rồi ĐÙNG!"

Tham khảo

  1. ^ a b c d e Ketchum III, William (ngày 3 tháng 1 năm 2012). “Sak Pase Reveals Queen's Influence On "Watch The Throne" Tracks, Rihanna's "Man Down" Controversy” [Sak Pase tiết lộ tầm ảnh hưởng của Queen đối với các ca khúc "Watch The Throne", tranh cãi trong bài hát "Man Down" của Rihanna]. HipHopDX (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2024.
  2. ^ a b c d e Chace, Zoe (ngày 30 tháng 6 năm 2011). “How Much Does It Cost To Make A Hit Song?” [Chi phí để tạo nên một bài hát hit là bao nhiêu?] (bằng tiếng Anh). NPR. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2024.
  3. ^ Eells, Josh (ngày 14 tháng 4 năm 2011). “Rihanna, Queen of Pain” [Rihanna, Nữ hoàng của thống khổ]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  4. ^ Nissim, Maya (ngày 9 tháng 3 năm 2011). “Shontelle 'glad Leona turned down song'” [Shontelle 'vui mừng vì Leona từ chối bài hát'] (bằng tiếng Anh). Digital Spy. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  5. ^ Lazerine, Devin (ngày 8 tháng 11 năm 2010). “New Music: Rihanna - 'California King Bed' + 'Man Down'” [Nhạc mới: Rihanna - 'California King Bed' + 'Man Down']. Rap-Up (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  6. ^ Thomas, Rebecca (ngày 9 tháng 6 năm 2011). “Rihanna's 'Man Down' Is Her Answer To Bob Marley Classic” ['Man Down' của Rihanna là câu trả lời của cô ấy dành cho ca khúc kinh điển của Bob Marley] (bằng tiếng Anh). MTV News. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  7. ^ a b Bychawski, Adam (ngày 10 tháng 6 năm 2011). “Rihanna's "Man Down" is 'answer to Bob Marley's "I Shot The Sheriff"'” ["Man Down" của Rihanna là 'câu trả lời cho "I Shot The Sheriff" của Bob Marley']. NME (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  8. ^ Vena, Jocelyn (ngày 16 tháng 11 năm 2010). “Rihanna Says Loud's 'Man Down' Is 'Gangsta'” [Rihanna diễn tả 'Man Down' trong Loud là 'Gangsta'] (bằng tiếng Anh). MTV News. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  9. ^ Rihanna (ngày 12 tháng 11 năm 2010). Loud (Ghi chú album) (bằng tiếng Anh). Def Jam Recordings. tr. 5.
  10. ^ McCormick, Neil (ngày 21 tháng 5 năm 2015). “How many songwriters does it take to change a chorus?” [Các nhạc sĩ sáng tác bài hát được nhận bao nhiêu tiền để thay đổi một đoạn điệp khúc?]. The Telegraph (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  11. ^ a b c d Cinquemani, Sal (ngày 12 tháng 11 năm 2010). “Review: Rihanna, Loud” [Đánh giá: Rihanna, Loud]. Slant Magazine (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  12. ^ a b c d e f Empire, Kitty (ngày 9 tháng 10 năm 2011). “Rihanna – review” [Rihanna – đánh giá]. The Observer (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  13. ^ a b c Pareles, Jon; Caramanica, Jon (ngày 15 tháng 11 năm 2010). “Critics' Choice: New CDs — Review: Loud” [Lựa chọn của giới chuyên môn: CD mới — Đánh giá: Loud]. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  14. ^ a b “Rihanna Shoots 'Em Up” [Rihanna bắn chết đàn ông]. Interview (bằng tiếng Anh). ngày 1 tháng 6 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  15. ^ a b Burleson, Ryan (ngày 22 tháng 11 năm 2010). “Album Review: Rihanna — Loud” [Đánh giá album: Rihanna — Loud]. Consequence of Sound (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  16. ^ Breihan, Tom (ngày 2 tháng 10 năm 2023). “The Number Ones: Rihanna's "S&M" (Feat. Britney Spears)” [Các bài hát số một: “S&M” của Rihanna (hợp tác với Britney Spears)]. Stereogum (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  17. ^ a b c Brown, August (ngày 16 tháng 11 năm 2010). “Review: Loud” [Đánh giá: Loud]. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  18. ^ Skinner, James (ngày 15 tháng 11 năm 2010). “Music – Review of Rihanna – Loud” [Âm nhạc – Đánh giá cho Rihanna – Loud] (bằng tiếng Anh). BBC. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  19. ^ a b Greenblatt, Leah (ngày 10 tháng 11 năm 2010). “Review: Loud” [Đánh giá: Loud]. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  20. ^ “Digital Sheet Music – Rihanna – Man Down” [Bản phổ nhạc kỹ thuật số – Rihanna – Man Down] (bằng tiếng Anh). Musicnotes.com. Universal Music Publishing Group. 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  21. ^ Govan 2011, tr. 181.
  22. ^ a b Fleetwood 2012, tr. 430.Lỗi sfn: không có mục tiêu: CITEREFFleetwood2012 (trợ giúp)
  23. ^ Dombal, Ryan (ngày 24 tháng 11 năm 2010). “Review: Loud” [Đánh giá: Loud]. Pitchfork (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  24. ^ a b c Stern, Bradley (ngày 15 tháng 11 năm 2010). “Rihanna: Loud (Album Review)” [Rihanna: Loud (Đánh giá album)]. MuuMuse (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  25. ^ Bierria 2011, tr. 118.Lỗi sfn: không có mục tiêu: CITEREFBierria2011 (trợ giúp)
  26. ^ Duke, Alan (ngày 3 tháng 6 năm 2011). “Rihanna's 'Man Down' video 'inexcusable,' parent group says” [Nhóm phụ huynh cho biết video 'Man Down' của Rihanna là 'không thể tha thứ'] (bằng tiếng Anh). CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  27. ^ a b Baniamer, Nima (ngày 2 tháng 12 năm 2010). “Rihanna - Loud Album Review” [Rihanna - Đánh giá album Loud]. Contactmusic.com (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  28. ^ White 2013, tr. 134.
  29. ^ Oliver 2011, tr. 252.
  30. ^ Corner, Lewis (ngày 1 tháng 3 năm 2011). “Rihanna asks fans to choose next single” [Rihanna yêu cầu người hâm mộ chọn đĩa đơn tiếp theo] (bằng tiếng Anh). Digital Spy. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  31. ^ Copsey, Robert (ngày 12 tháng 3 năm 2011). “Rihanna announces next single” [Rihanna công bố đĩa đơn tiếp theo] (bằng tiếng Anh). Digital Spy. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  32. ^ Corner, Lewis (ngày 27 tháng 4 năm 2011). “Rihanna switches new single release dates?” [Có phải Rihanna đã đổi ngày phát hành đĩa đơn mới?] (bằng tiếng Anh). Digital Spy. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  33. ^ a b “Airplay Archive – Rhythm” [Lưu trữ phát thanh – Rhythm]. FMQB (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  34. ^ “California King Bed – Single – Denmark” [California King Bed – Đĩa đơn – Đan Mạch] (bằng tiếng Đan Mạch). iTunes Store. Apple Inc. ngày 13 tháng 5 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  35. ^ a b “Man Down (Explicit) – Rihanna” (bằng tiếng Pháp). 7digital. ngày 7 tháng 7 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  36. ^ a b “Man Down (Explicit) – Rihanna” (bằng tiếng Đức (Thụy Sĩ)). 7digital. ngày 7 tháng 7 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  37. ^ a b “Man Down (Explicit) – Rihanna” (bằng tiếng Hà Lan). 7digital. ngày 15 tháng 7 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  38. ^ a b "Rihanna Chart History (Hot 100)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  39. ^ a b "Rihanna Chart History (Hot R&B/Hip-Hop Songs)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  40. ^ a b “Rihanna Chart History – Hot R&B/Hip-Hop Songs 2011 Year End Chart” [Lịch sử bảng xếp hạng Rihanna – Bảng xếp hạng Hot R&B/Hip-Hop Songs cuối năm 2011]. Billboard (bằng tiếng Anh). 2011. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  41. ^ a b “Chứng nhận đĩa đơn Hoa Kỳ – Rihanna – Man Down” (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  42. ^ a b "Rihanna Chart History (Canadian Hot 100)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  43. ^ a b "Lescharts.com – Rihanna – Man Down" (bằng tiếng Pháp). Les classement single. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  44. ^ a b "Official Singles Chart Top 100" (bằng tiếng Anh). Official Charts Company. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  45. ^ “Rihanna Singles Chart History” [Lịch sử bảng xếp hạng đĩa đơn của Rihanna] (bằng tiếng Anh). Official Charts Company. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  46. ^ a b "Official R&B Singles Chart Top 40" (bằng tiếng Anh). Official Charts Company. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  47. ^ a b "Ultratop.be – Rihanna – Man Down" (bằng tiếng Hà Lan). Ultratop 50. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  48. ^ a b "Ultratop.be – Rihanna – Man Down" (bằng tiếng Pháp). Ultratop 50. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  49. ^ a b “Ultratop − Goud en Platina – singles 2011” (bằng tiếng Hà Lan). Ultratop. Hung Medien. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  50. ^ a b "Italiancharts.com – Rihanna – Man Down" (bằng tiếng Anh). Top Digital Download. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  51. ^ a b “Chứng nhận đĩa đơn Ý – Rihanna – Man Down” (bằng tiếng Ý). Federazione Industria Musicale Italiana. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024. Chọn "2012" ở menu thả xuống "Anno". Chọn "Man Down" ở mục "Filtra". Chọn "Singoli" dưới "Sezione".
  52. ^ Mackay, Emily (ngày 12 tháng 11 năm 2010). Mandle, Chris (biên tập). “Review: Loud” [Đánh giá: Loud]. NME (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  53. ^ Manning, James; Levine, Nick (ngày 14 tháng 5 năm 2015). “The 20 best Rihanna songs” [20 bài hát xuất sắc nhất của Rihanna]. Time Out (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  54. ^ Lobenfeld, Claire (ngày 20 tháng 2 năm 2014). “The 26 Best Rihanna Songs” [26 bài hát xuất sắc nhất của Rihanna]. Complex (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  55. ^ Powers, Ann (ngày 17 tháng 10 năm 2017). “Songs That Say 'Me Too'” [Những bài hát kêu gọi 'Me Too'] (bằng tiếng Anh). NPR. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2024.
  56. ^ a b c Lazerine, Devin (ngày 30 tháng 5 năm 2011). “Rihanna sends strong message in 'Man Down' video” [Rihanna gửi thông điệp mạnh mẽ trong video 'Man Down']. Rap-Up (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  57. ^ a b Vena, Jocelyn (ngày 16 tháng 5 năm 2011). “Rihanna Director Talks Upcoming 'Man Down' Video” [Đạo diễn của Rihanna nói về video sắp ra mắt 'Man Down'] (bằng tiếng Anh). MTV News. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  58. ^ “Rihanna Shoots 'Man Down' Video in Jamaica” [Rihanna quay video "Man Down" tại Jamaica]. Rap-Up (bằng tiếng Anh). ngày 1 tháng 5 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  59. ^ Bascomb 2014, tr. 202–203Lỗi sfnm: không có mục tiêu: CITEREFBascomb2014 (trợ giúp); Fleetwood 2012, tr. 430Lỗi sfnm: không có mục tiêu: CITEREFFleetwood2012 (trợ giúp).
  60. ^ Bascomb 2014, tr. 203Lỗi sfnm: không có mục tiêu: CITEREFBascomb2014 (trợ giúp); Fleetwood 2012, tr. 430Lỗi sfnm: không có mục tiêu: CITEREFFleetwood2012 (trợ giúp).
  61. ^ Bascomb 2014, tr. 203–204Lỗi sfnm: không có mục tiêu: CITEREFBascomb2014 (trợ giúp); Fleetwood 2012, tr. 430Lỗi sfnm: không có mục tiêu: CITEREFFleetwood2012 (trợ giúp).
  62. ^ Fleetwood 2012, tr. 430–431.Lỗi sfn: không có mục tiêu: CITEREFFleetwood2012 (trợ giúp)
  63. ^ Dinh, James (ngày 31 tháng 5 năm 2011). “Rihanna Pulls The Trigger In 'Man Down' Video” [Rihanna bóp cò trong video 'Man Down'] (bằng tiếng Anh). MTV News. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  64. ^ a b Fleetwood 2012, tr. 431.Lỗi sfn: không có mục tiêu: CITEREFFleetwood2012 (trợ giúp)
  65. ^ a b Hobson 2012, tr. 82–83.
  66. ^ Bascomb 2014, tr. 204.Lỗi sfn: không có mục tiêu: CITEREFBascomb2014 (trợ giúp)
  67. ^ Steiner, Leslie Morgan (ngày 3 tháng 6 năm 2011). “Ban Rihanna's video? No, make it required viewing” [Định cấm video của Rihanna sao? Thôi, cứ để yêu cầu đối tượng khán giả theo dõi là được] (bằng tiếng Anh). CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  68. ^ Ferreday 2017, tr. 277.Lỗi sfn: không có mục tiêu: CITEREFFerreday2017 (trợ giúp)
  69. ^ Corner, Lewis (ngày 25 tháng 5 năm 2011). “Rihanna, Britney Spears 'S&M' "sex show" slammed” ["Chương trình sex" 'S&M' của Rihanna, Britney Spears bị chỉ trích] (bằng tiếng Anh). Digital Spy. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  70. ^ a b Lazerine, Devin (ngày 1 tháng 6 năm 2011). “Rihanna's 'Man Down' Video Draws Fire from Parents Advocacy Group” [Video 'Man Down' của Rihanna bị nhóm bảo vệ quyền lợi phụ huynh chỉ trích]. Rap-Up (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  71. ^ Goodwyn, Tom (ngày 2 tháng 6 năm 2011). “US pressure groups call for Rihanna's video for 'Man Down' to be banned – video” [Các nhóm gây sức ép của Hoa Kỳ kêu gọi cấm video 'Man Down' của Rihanna – video]. NME (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  72. ^ Shank, Amy (ngày 2 tháng 6 năm 2011). “Rihanna under fire for violent 'Man Down' video” [Rihanna bị chỉ trích vì video bạo lực 'Man Down']. Christian Today (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  73. ^ Kaminski, Elizabeth (ngày 26 tháng 10 năm 2011). “"A Very Strong Underlying Message 4 Girls Like Me": Rihanna's "Man Down" Video” ["Một thông điệp ngầm rất mạnh mẽ dành cho những cô gái như tôi": Video "Man Down" của Rihanna]. PopMatters (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  74. ^ a b Shepherd, Julianne Escobedo (ngày 16 tháng 6 năm 2011). “Watchdogs, Outraged Over Rihanna's New Video, Give Kanye's Misogyny a Pass” [Những kẻ thích kiểm soát người khác đã tức giận vì video mới của Rihanna nhưng lại nhắm mắt cho qua thái độ kỳ thị phụ nữ của Kanye] (bằng tiếng Anh). AlterNet. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  75. ^ Govan 2011, tr. 180–181.
  76. ^ a b Still, Jennifer (ngày 2 tháng 6 năm 2011). “Rihanna: 'Man Down murder video is the real world'” [Rihanna: 'Video giết người của Man Down là thế giới thực'] (bằng tiếng Anh). Digital Spy. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  77. ^ a b “Rihanna Explains Controversial 'Man Down' Video on BET's '106 & Park' (Video)” [Rihanna giải thích về video gây tranh cãi 'Man Down' trên '106 & Park' của BET (Video)]. The Hollywood Reporter (bằng tiếng Anh). ngày 2 tháng 6 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  78. ^ a b Kits, Boris (ngày 8 tháng 6 năm 2011). “Rihanna's 'Man Down' Music Video Director Defends Controversial Violence (Exclusive)” [Đạo diễn video ca nhạc ‘Man Down’ của Rihanna bảo vệ cảnh bạo lực gây tranh cãi (Độc quyền)]. The Hollywood Reporter (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  79. ^ Stevenson, Jane (ngày 7 tháng 6 năm 2011). “Rihanna is loud, sexy and larger than life” [Rihanna trở nên kịch liệt, quyến rũ và rất thu hút]. Toronto Sun (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  80. ^ Maza, Erik (ngày 6 tháng 6 năm 2011). “Rihanna at 1st Mariner Arena, first stop of Loud Tour” [Rihanna tại Mariner Arena đêm thứ nhất, điểm dừng chân đầu tiên của Loud Tour]. The Baltimore Sun (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  81. ^ “Set List on Main Stage on 24 Jun 2012 at Hackney Marshes” [Danh sách bài hát trên sân khấu chính vào ngày 24 tháng 6 năm 2012 tại Hackney Marshes] (bằng tiếng Anh). BBC. ngày 24 tháng 6 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2024.
  82. ^ Graff, Gary (ngày 22 tháng 3 năm 2013). “Concert Review: Rihanna's Diamonds show doesn't shine at Joe Louis Arena” [Đánh giá buổi hòa nhạc: Chương trình Diamonds của Rihanna không tỏa sáng tại Joe Louis Arena]. The Oakland Press (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  83. ^ a b Fitzpatrick, Katie (ngày 13 tháng 6 năm 2013). “Review: Rihanna at Manchester Arena” [Đánh giá: Rihanna tại Manchester Arena]. Manchester Evening News (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  84. ^ Lachno, James (ngày 11 tháng 6 năm 2013). “Rihanna, Millennium Stadium, Cardiff, review” [Rihanna, Millennium Stadium, Cardiff, đánh giá]. The Daily Telegraph (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  85. ^ Daw, Robbie (ngày 23 tháng 5 năm 2011). “Leona Lewis Mashes Up 'Better In Time' With Rihanna's 'Man Down'” [Leona Lewis kết hợp ca khúc "Better In Time" với "Man Down" của Rihanna] (bằng tiếng Anh). Idolator. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  86. ^ “Radio 1 to stage its biggest ever live music event on Hackney Marshes” [Radio 1 sẽ tổ chức sự kiện âm nhạc trực tiếp lớn nhất từ trước đến nay tại Hackney Marshes] (Thông cáo báo chí) (bằng tiếng Anh). BBC. ngày 23 tháng 5 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  87. ^ Corner, Lewis (ngày 17 tháng 4 năm 2013). “Leona Lewis begins 'Glassheart' tour in Germany – pictures” [Leona Lewis bắt đầu chuyến lưu diễn 'Glassheart' tại Đức – hình ảnh] (bằng tiếng Anh). Digital Spy. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  88. ^ "ČNS IFPI" (bằng tiếng Séc). Hitparáda – Radio Top 100 Oficiální. IFPI Cộng hòa Séc. Ghi chú: Chọn 41. týden 2011. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  89. ^ "Archívum – Slágerlisták – MAHASZ" (bằng tiếng Hungary). Rádiós Top 40 játszási lista. Magyar Hanglemezkiadók Szövetsége. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  90. ^ “The Official Lebanese Top 20 - Rihanna” [Bảng xếp hạng The Official Lebanese Top 20 của Rihanna] (bằng tiếng Anh). The Official Lebanese Top 20. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  91. ^ “Luxembourg Digital Songs: Sep 24, 2011” [Luxembourg Digital Songs: 24 tháng 9 năm 2011]. Billboard (bằng tiếng Anh). ngày 24 tháng 9 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  92. ^ "Nederlandse Top 40 – week 38, 2011" (bằng tiếng Hà Lan). Dutch Top 40 Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  93. ^ "Dutchcharts.nl – Rihanna – Man Down" (bằng tiếng Hà Lan). Single Top 100. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  94. ^ "Norwegiancharts.com – Rihanna – Man Down" (bằng tiếng Anh). VG-lista. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  95. ^ "Listy bestsellerów, wyróżnienia :: Związek Producentów Audio-Video" (bằng tiếng Ba Lan). Polish Airplay Top 100. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  96. ^ “Portugal Digital Songs: Sep 17, 2011” [Portugal Digital Songs: 17 tháng 9 năm 2011]. Billboard (bằng tiếng Anh). ngày 17 tháng 9 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  97. ^ "Media Forest – Weekly Charts (bằng tiếng Anh). Media Forest. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024. Ghi chú: Vị trí Romania và quốc tế được hiển thị cùng nhau theo số lượt phát rồi mới ra bảng xếp hạng tổng.
  98. ^ "ČNS IFPI" (bằng tiếng Séc). Hitparáda – Radio Top 100 Oficiálna. IFPI Cộng hòa Séc. Ghi chú: Chọn 37. týden 2011. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  99. ^ "Swedishcharts.com – Rihanna – Man Down" (bằng tiếng Anh). Singles Top 100. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  100. ^ "Swisscharts.com – Rihanna – Man Down" (bằng tiếng Thụy Sĩ). Swiss Singles Chart. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  101. ^ "Lescharts.ch – Rihanna – Man Down" (bằng tiếng Pháp). Media Control. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  102. ^ "Rihanna Chart History (Rhythmic)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  103. ^ “Jaaroverzichten 2011” [Xếp hạng cuối năm 2011] (bằng tiếng Hà Lan). Ultratop 50. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  104. ^ “Rapports Annuels 2011: Singles” [Báo cáo cuối năm 2011] (bằng tiếng Pháp). Ultratop 50. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  105. ^ “Classement des 100 premiers Singles Fusionnés par GfK Music 2011 - du 1er Janvier au 31 Décembre 2011” [Bảng xếp hạng tổng hợp 100 đĩa đơn hàng đầu của GfK Music năm 2011 - từ 1 tháng 1 đến 31 tháng 12 năm 2011] (PDF) (bằng tiếng Pháp). Syndicat National de l'Édition Phonographique. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 5 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  106. ^ “Mahasz Rádiós Top 100 2011” [Mahasz Rádiós Top 100 năm 2011] (bằng tiếng Hungary). Mahasz. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  107. ^ “Top 100-Jaaroverzicht van 2011” [Top 100-Xếp hạng cuối năm 2011] (bằng tiếng Hà Lan). Dutch Top 40. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  108. ^ “Jaaroverzichten Year 2011” [Xếp hạng cuối năm 2011] (bằng tiếng Hà Lan). Single Top 100. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  109. ^ “Årslista Singlar - År 2011” [Xếp hạng đĩa đơn cuối năm - Năm 2011] (bằng tiếng Thụy Điển). Singles Top 100. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  110. ^ “Jahreshitparade 2011” [Xếp hạng cuối năm 2011] (bằng tiếng Đức). Swiss Singles Chart. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  111. ^ “Classement des 200 premiers Singles Fusionnés par GfK année 2012” [Bảng xếp hạng tổng hợp 200 đĩa đơn hàng đầu của GfK năm 2012] (PDF) (bằng tiếng Pháp). Syndicat National de l'Édition Phonographique. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  112. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Brasil – Rihanna – Man Down” (bằng tiếng Bồ Đào Nha). Pro-Música Brasil. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  113. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Đan Mạch – Rihanna – Man Down” (bằng tiếng Đan Mạch). IFPI Đan Mạch. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  114. ^ Aflahi, Hilal El (ngày 15 tháng 8 năm 2015). “Rihanna : quels sont ses 10 plus gros tubes en France?” [Rihanna: 10 bản hit lớn nhất của cô ấy ở Pháp là gì?] (bằng tiếng Pháp). Charts in France. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  115. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Pháp – Rihanna – Man Down” (bằng tiếng Pháp). Syndicat National de l'Édition Phonographique. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  116. ^ “Sverigetopplistan – Rihanna” (bằng tiếng Thụy Điển). Sverigetopplistan. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  117. ^ “The Official Swiss Charts and Music Community: Chứng nhận ('Man Down')” (bằng tiếng Đức). IFPI Thụy Sĩ. Hung Medien. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  118. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Anh Quốc – Rihanna – Man Down” (bằng tiếng Anh). British Phonographic Industry. ngày 25 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  119. ^ Forastiero, Eleonora (ngày 4 tháng 8 năm 2011). “Rihanna - Man Down (Radio date: 05 agosto 2011)” [Rihanna - Man Down (Ngày phát thanh: 5 tháng 8 năm 2011)] (Thông cáo báo chí) (bằng tiếng Ý). EarOne. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.

Nguồn

  • Oliver, Sarah (2011). Rihanna: The Only Girl In The World [Rihanna: Cô gái duy nhất trên thế giới] (bằng tiếng Anh). Luân Đôn, Vương quốc Anh: John Blake Publishing. ISBN 978-1-84358-423-0. OCLC 751806423.
  • Govan, Chloe (2011). Rihanna: Rebel Flower [Rihanna: Bông hoa nổi loạn] (bằng tiếng Anh). Thành phố New York, Hoa Kỳ: Omnibus Press. ISBN 978-1-78038-127-5. OCLC 751738537.
  • Hobson, Janell (2012). Body as Evidence: Mediating Race, Globalizing Gender [Sử dụng cơ thể làm bằng chứng: Vật trung gian cho chủng tộc, toàn cầu hóa giới tính] (bằng tiếng Anh). SUNY Press. ISBN 978-1-43844-400-0. OCLC 817565779.
  • White, Danny (2013). Rihanna: The Unauthorized Biography [Rihanna: Tiểu sử chưa có sự cho phép] (bằng tiếng Anh). Luân Đôn, Vương quốc Anh: Michael O'Mara Books. ISBN 978-1-78243-047-6. OCLC 831117857.
  • Bierria, Alisa (2011). “"Where Them Bloggers At?": Reflections on Rihanna, Accountability, and Survivor Subjectivity” ["Những blogger đó ở đâu?": Suy ngẫm về Rihanna, trách nhiệm giải trình và sự chủ quan của người sống sót]. Social Justice (bằng tiếng Anh). 37 (4): 101–125. JSTOR 41478937.
  • Fleetwood, Nicole R. (2012). “The Case of Rihanna: Erotic Violence and Black Female Desire” [Nghiên cứu về Rihanna: Bạo lực khiêu dâm và ham muốn của phụ nữ da đen]. African American Review (bằng tiếng Anh). Johns Hopkins University Press. 45 (3). doi:10.1353/afa.2012.0047. ISSN 1945-6182. S2CID 161587296.
  • Bascomb, Lia T. (2014). “Rude Girl, Big Woman: Power and Play in Representations of Caribbean Women” [Cô gái thô lỗ, phụ nữ chị đại: Quyền lực và thú vui đại diện cho phụ nữ sống ở vùng Caribe]. Palimpsest (bằng tiếng Anh). 3 (2): 191–213. doi:10.1353/pal.2014.0011. S2CID 191721429.
  • Ferreday, Debra (2017). “'Only the Bad Gyal could do this': Rihanna, rape-revenge narratives and the cultural politics of white feminism” [‘Chỉ có gái hư mới có thể làm điều này’: Rihanna, những câu chuyện trả thù cưỡng hiếp và chính trị văn hóa của chủ nghĩa nữ quyền da trắng]. Feminist Theory (bằng tiếng Anh). SAGE Publications. 18 (3): 263–280. doi:10.1177/1464700117721879.

Đọc thêm

  • Nolte, S. Philip (2013). “The realities people live by: A critical reflection on the value of Wolfgang Iser's concept of repertoire for reading the story of Susanna in the Septuagint” [Thực tại mà con người đang sống: Suy ngẫm phê phán giá trị ý tưởng tiết mục biểu diễn của Wolfgang Iser khi đọc câu chuyện về Susanna trong bản Septuagint]. HTS Teologiese Studies/Theological Studies (bằng tiếng Anh). 69 (1): 1–7. doi:10.4102/hts.v69i1.1320. hdl:10394/13891.
  • Shaw, Amelia (2022). “Rihanna, 'Man Down': The Truth Untold” [Rihanna, ‘Man Down’: Sự thật chưa kể] (PDF). Songs of Empowerment: Women in 21st Century Popular Music (bằng tiếng Anh). Universitat Autònoma de Barcelona: 72–77. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 15 tháng 2 năm 2022.
  • x
  • t
  • s
Bài hát của Rihanna
  • Danh sách đĩa đơn
  • Danh sách bài hát
Music of the Sun
A Girl Like Me
Good Girl Gone Bad
Good Girl Gone
Bad: Reloaded
Rated R
Loud
  • "S&M"
  • "What's My Name?"
  • "Cheers (Drink to That)"
  • "Fading"
  • "Only Girl (In the World)"
  • "California King Bed"
  • "Man Down"
  • "Raining Men"
  • "Skin"
  • "Love the Way You Lie (Part II)"
Talk That Talk
Unapologetic
Nhạc phim
Hành trình trở về
  • "Towards the Sun"
  • "Dancing in the Dark"
Anti
  • "Consideration"
  • "Kiss It Better"
  • "Work"
  • "Desperado"
  • "Needed Me"
  • "Love on the Brain"
  • "Higher"
  • "Pose"
  • "Sex with Me"
Bài hát hợp tác
Bài hát không album
Tiêu đề chuẩn Sửa dữ liệu tại Wikidata
  • MBRG: 51abf0d4-97b3-49e1-9fab-11a12ca5671f